Khó quanh năm giàu ba ngày Tết
Dù thời đại có thay đổi thế nào thì Tết cổ truyền vẫn là ngày lễ không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Tết là dịp nghỉ ngơi, sum họp gia đình, thăm hỏi lẫn nhau và trao đi những lời chúc tụng đầu xuân. Đằng sau những mai đào, quà bánh là sự mưu sinh vất vả của những người lớn, những người thấy Tết chẳng còn vui như những ngày thơ ấu.
Tâm lý khó quanh năm giàu ba ngày Tết khiến ai cũng muốn cố thêm một chút để có cái Tết ấm no, tươm tất, đủ đầy. Tết là ngày vui nhưng lại vô tình trở thành áp lực đè nặng lên vai những người trưởng thành. Từ những người cha, người mẹ muốn con có một cái Tết đủ đầy, đến những người con đã khôn lớn với khát khao 'mang tiền về cho mẹ'.
Ai cũng mong có một cái Tết giàu, nhưng 'giàu' thật sự là thế nào. Phải chăng là mâm cao cỗ đầy, cây cảnh đắt tiền, lì xì dày cộm? MV Cái Tết giàu, một sáng tác của Bùi Công Nam, qua giọng hát của Lương Bích Hữu, Đông Nhi và cả sự góp giọng của chính tác giả đã định nghĩa lại về khái niệm 'Tết giàu'.
Tết giàu là khi gia đình dành thời gian bên nhau
Mở đầu MV là hình ảnh người mẹ tất cả ngược xuôi, cố nhận thêm vài cái đơn đặt hàng để Tết này có thể sắm sửa nhiều hơn một chút. Chị đã thức khuya may cho con một chiếc áo dài tuyệt đẹp nhưng nhưng lại thấy con ngủ gật bên dòng chữ nắn nót viết trên câu đối đỏ: 'Chúc mẹ mạnh khỏe để có thời gian chơi với con'.
Điều mà con gái cần không phải là quà bánh, cũng không phải quần áo mới mà chỉ đơn giản mẹ dành thời gian chơi với con nhiều hơn. Hóa ra 'giàu của con là gia đình mạnh khỏe, là ba với mẹ vẫn ở cạnh bên'. Hiểu ra điều này, người mẹ đã đặt gánh nặng mưu sinh trên vai xuống, chị đóng cửa tiệm may sớm để cùng con đón 'Tết lớn'.
Tết giàu bởi những nét đẹp văn hóa
Những ký ức về Tết của người Việt được khắc họa một cách rõ rệt trong từng cảnh quay, từ phiên chợ những ngày giáp Tết với con gà, chậu hoa, lá dong, gạo nếp,… đến hình ảnh người tấp nập đi sắm Tết. Tết ở quê, không thể thiếu khoảnh khắc cả nhà quây quần gói bánh chưng, ngồi trông nồi bánh chờ trời sáng hay chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà. Những ngày Tết, bàn thờ gia tiên được trang hoàng lộng lẫy, bày biện mâm ngũ quả, bánh mứt và những món ăn ngày Tết. Dưới nếp nhà, cả nhà quây quần trong bữa cơm đoàn viên, nhẩn nha uống trà, ôn lại chuyện cũ.
Tết chỉ về khi con trở về
Với áp lực 'mang tiền về cho mẹ', không ít người trẻ đã về muộn hoặc ở lại cày xuyên Tết để được trả lương gấp đôi, gấp ba. Họ cũng muốn về ăn Tết sớm lắm chứ, nhưng càng muốn hơn sẽ kiếm thêm thật nhiều tiền để bố mẹ có cái Tết sung túc, đủ đầy. Cậu thanh niên trong MV cũng không ngoại lệ. Tết đến nơi rồi, cậu vẫn còn quay cuồng với công việc, bữa ăn được thay thế bằng ổ bánh mì qua loa. Cậu được sếp giao làm job gấp nhưng mở ra lại là lá đơn của mẹ cùng một xấp tiền nhàu cũ, chẵn lẻ đủ cả để đổi lấy vài ngày nghỉ sớm cho con.
Lá đơn của mẹ có lẽ sẽ khiến không ít người ngậm ngùi:
Cô ơi, tôi là Hiền, mẹ của cháu Nam. Tôi xin phép cô cho thằng Nam con tôi năm nay được nghỉ Tết sớm. Mấy năm rồi cháu nó cứ về đến nhà là đã 30 hoặc mồng 1. Ráng cày cuốc thêm tiền lương để rồi mệt mỏi cả một cái Tết. Tôi xót lắm cô à.'
Với mẹ, Tết giàu sang và no đủ không phải là con mang về bao nhiêu tiền mà chỉ cần con về nhà thôi. 'Thêm một chút, hơn một chút đâu có thêm giàu, mà dành từng phút, nhiều một chút để ở bên nhau'. Những người con đang mải cày cuốc có hiểu lòng cha mẹ không?
Chúng ta có cả năm để lang bạt mưu sinh ngoài cuộc đời, nhưng cả năm cũng chỉ có cái Tết là được nghỉ dài ngày để về bên cha mẹ.
Tết giàu khi cả nhà khỏe mạnh
Qua những câu chuyện nhỏ, dung dị và cảm động, MV Cái Tết giàu đã khiến chúng ta thay đổi góc nhìn để tạo nên một cái Tết sung túc cho riêng mình. Dù cuộc sống có khó khăn thế nào, năm qua có vất vả ra sao thì sức khỏe vẫn là điều quan trọng nhất.
Tết giàu không nằm ở tiền tài, vật chất. Tết giàu là khi cả nhà khỏe mạnh, sum họp bên nhau. Những ngày đầu năm mới, chúng ta cũng nên gác lại bận bịu, âu lo để tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian quý giá bên gia đình.